Cần tập bao nhiêu để sống lâu và khỏe?

ngochoang

Các ý chính

  • Khối lượng vận động thể chất và thể trạng tim mạch – hô hấp có quan hệ chặt chẽ với nhau và với những kết quả liên quan đến sức khỏe, nhưng không phải lúc nào cũng tương ứng. Tập luyện nhằm thúc đẩy tiến bộ về tim mạch – hô hấp sẽ mang lại lợi ích, nhưng tập luyện và vận động nhiều hơn không đồng nghĩa với lợi ích lớn hơn tương xứng.

  • Để đạt được lợi ích tối đa về sức khỏe, bạn nên chú ý tới 3 yếu tố: tập luyện Kháng lực, tập luyện Thể lực và vận động thể chất, và Ngắt quãng thời gian bất động.

  • Khác với tập luyện hướng đến thành tích hay hình thể, bạn có lựa chọn khá phong phú và tự do về cách tập luyện cho mục tiêu sức khỏe. Điều quan trọng hơn là tìm được hình thức tập luyện bạn yêu thích và có thể duy trì.

Dẫn nhập

 

 

Nguồn gốc của câu hỏi này đến từ một giả định: giả sử có một cặp song sinh cùng trứng (identical twin), với một người tập luyện Thể lực rất nhiều (vd: 300 phút/tuần), và một người còn lại tập khá ít (vd: 40 phút/tuần) nhưng có thể trạng rất tốt. Giả sử cả hai người này cùng có sức khỏe và đạt tuổi thọ như nhau, điều gì thực sự giúp họ khỏe mạnh và ‘đắc thọ’, vận động rất nhiều hay đạt được trạng thái thể chất tốt? Tình huống tương tự cũng được đặt ra nhưng với Tập luyện Kháng lựctập nhiều và thường xuyên, hay khỏe mạnh và nhiều cơ bắp quan trọng hơn?

Viết tắt: CRF (cardiorespiratory fitness): thể trạng tim mạch – hô hấp, CVD (cardiovascular disease): bệnh tim mạch; PA (Physical Activity): vận động thể chất

❓Điều gì quan trọng hơn để sống lâu và khỏe: thể trạng tốt hay tập luyện nhiều?

 

 

Xét từ góc độ bằng chứng khoa học hiện tại về quan hệ giữa tập luyện/vận động thể chất, thể trạng, và những kết quả liên quan đến tuổi thọ và sức khỏe, câu trả lời sẽ không rõ ràng như mọi người tưởng.

 

Chỉ xét riêng về tập luyện Thể lực (aerobic training), một số yếu tố sau góp phần vào sự thiếu rõ ràng này:

Những người dành nhiều thời gian vận động thể chất và tập luyện (PA cao) cũng thường có thể trạng tim mạch – hô hấp tốt hơn (CRF cao)

  • Đúng là, liên quan đến một số kết quả cụ thể như nguy cơ mắc bệnh tim mạch (CVD), CRF tỏ ra quan trọng hơn so với khối lượng PAtheo một báo cáo nghiên cứu dịch tễ học; trong khi xu hướng giảm nguy cơ mắc CVD là như nhau, hiệu quả của tăng tiến về thể trạng thể lực gần như gấp đôi so với tăng mức độ vận động thể chất. Tuy nhiên, bạn sẽ khó có thể không thể đạt thể trạng tốt (CRF cao) nếu như không tập luyện với khối lượng và cường độ tương ứng (PA cao); nhìn chung, bản thân CRF thấp là một yếu tố báo hiệu nguy cơ mắc CVD, và với những người thuộc nhóm có CRF thấp nhất, tăng PA lại có ý nghĩa hơn (để cải thiện CRF). Mặt khác, bản thân ảnh hưởng lớn hơn của CRF cũng cho thấy vai trò quan trọng của một chương trình tập luyện hợp lý nhằm thúc đẩy tiến bộ về thể lực (thay vì chỉ ‘ăn hành’ mù quáng ngày qua ngày).

So sánh rủi ro mắc CVD ở những mức PA (cột trắng) và CRF (cột đen) khác nhau, chia thành các nhóm bách phân vị (percentile). VD: những người thuộc 0 percentile có mức PA/CRF lớn 0% so với toàn bộ những người được khảo sát (hay nói cách khác, họ có mức PA/CRF thấp nhất)
  • Điều này không có nghĩa là “vận động nhiều hơn” dẫn đến thể trạng tốt hơn (thảo luận bên dưới), tuy nhiên chắc chắn hai yếu tố này có tương quan với nhau, nên khá là khó cô lập để đánh giá ảnh hưởng của từng yếu tố. 

  • Khó khăn này gộp vào với thách thức chính trong lĩnh vực nghiên cứu về tuổi thọ là, rất khó để thực hiện các thí nghiệm có kiểm soát trong thời gian đủ dài để đánh giá ảnh hưởng của vận động thể chất đến sức khỏe và tuổi thọ (thử hình dung, thuyết phục một người duy trì tập luyện nhiều hơn 4-8 tuần còn khó, huống chi là vài chục năm). 

Vận động thể chất hàng ngày tỏ ra có ảnh hưởng độc lập với mức độ tập luyện và thể trạng. Ngay cả ở các vận động viên chuyên nghiệp (những người tập luyện rất nhiều và có thể trạng rất tốt), dành nhiều thời gian không vận động ngoài tập luyện (sedentary time) có liên hệ với kết quả tiêu cực hơn về hình thể (ít thân Nạc và nhiều thân Mỡ hơn). Liên hệ với các bằng chứng khác đánh giá ảnh hưởng của việc dành nhiều thời gian bất động đến sức khỏe, bạn có thể đưa ra một lập luận khá thuyết phục rằng, để duy trì sức khỏe và thể trạng tốt không chỉ đòi hỏi tập luyện nhiều, mà còn cả một lối sống năng động, vận động thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, hoặc ít nhất là tránh những quãng thời gian dài không vận động (vd: ngồi làm việc, xem TV, dùng điện thoại, v.v.).

Ảnh hưởng độc lập của việc dành nhiều thời gian không vận động được thảo luận cụ thể trong Tập San Tháng 09/2022.

 

Lợi ích mà việc tăng tập luyện/vận động mang lại có giới hạn (hay còn gọi là hiệu ứng ‘trần’, (ceiling effect). Quy mô tăng về lợi ích do việc tập luyện nhiều hơn mang lại có xu hướng giảm dần, cho đến khi chững lại hoàn toàn; nói cách khác, đến một ngưỡng nhất định, tập luyện nhiều hơn chưa chắc đã đem lại nhiều lợi ích hơn (còn tất nhiên, ngưỡng này rất RẤT cao so với mức PA phổ biến hiện tại trong đại chúng, nên đừng lấy điều này làm lí do để cho rằng tập luyện là vô ích).

 

Một ví dụ minh hoạ là ở các VĐV chạy đường trường (marathon hoặc ultramarathon) – những đối tượng thuộc “đỉnh của chóp” về thể lực. Một số nghiên cứu ghi nhận rằng cường độ tập luyện rất lớn cần thiết để đạt được thể trạng hiện tại cũng thường dẫn đến những thay đổi về cấu trúc của Tim, khiến những người này có thể gặp phải những rủi ro lớn hơn về biến cố tim mạch.

A post shared by @insideexercise

Hiện tượng này minh họa cho khái niệm “Lợi tức giảm dần” (diminishing return) trong phát triển thể chất (thường được biểu hiện bởi biểu đồ hình chữ U ngược/ inverted U).

Minh họa quan hệ giữa Volume PA (phút/tuần) và nguy cơ đối với sức khỏe. Nguy cơ tuyệt đối giảm, nhưng mức giảm nguy cơ tương đối (so với ngưỡng trước đó) cũng giảm dần cùng với mức tăng PA, cho đến khi đạt một điểm chững.

Vì vậy, rất khó để đưa ra một câu trả lời dứt điểm cho câu hỏi ở trên. 

  • Một mặt, dành nhiều thời gian tập luyện Thể lực có thể sẽ nâng cao thể trạng thể lực của bạn (dù không phải lúc nào cũng vậy), vì thế khá là khó để cô lập ảnh hưởng của mức độ vận động thể chất và thể trạng thể lực.

    •  
  • Mặt khác, ngoài thời gian dành cho tập luyện, thời gian vận động ngoài tập luyện cũng có thể ảnh hưởng độc lập tới sức khỏe chuyển hóa của bạn. Cuối cùng, cố gắng phát triển thể trạng thể lực khi đến một mức nhất định có thể sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe; điều này khá phổ biến khi bạn bắt đầu theo đuổi thành tích đỉnh cao ở bất cứ loại hình tập luyện hay bộ môn thể thao nào.

Trong khi có một số khác biệt nhỏ, tập luyện Kháng lực nhìn chung cũng có xu hướng tương tự. Nhiều hơn quá một ngưỡng nhất định không hẳn đã tốt hơn, và như sẽ được thảo luận ở dưới, bạn không cần quá nhiều để thu được lợi ích tối đa về sức khỏe.

❓Cần tập bao nhiêu để sống khỏe và thọ?

 

 

Khối lượng tập luyện để phục vụ sức khỏe đã được thảo luận chi tiết trong Tập San Tháng 08/2023

Tập luyện Kháng lực

 

 

Chúng ta sẽ bắt đầu với tập luyện Kháng lực trước. Vai trò của tập luyện Kháng lực đối với sức khỏe được thể hiện thông qua những phản ứng ngắn hạn (vd: giúp cơ bắp tăng hấp thụ glucose, điều hòa đường huyết) và thích nghi dài hạn (vd: làm khỏe xương khớp, phòng tránh/giảm thiểu hiện tượng nhược cơ theo tuổi tác, duy trì khả năng vận động trong sinh hoạt hàng ngày). Như đã nhắc đến ở trên, để đạt được tối đa (hoặc đại đa số) những lợi ích này, bạn không cần tập quá nhiều

Tổng quan lịch tập

 

 

Tùy vào nghiên cứu bạn bắt gặp, thời lượng được ghi nhận đem lại lợi ích tối đa cho sức khỏe chỉ rơi vào khoảng 1-2 tiếng/tuần. Chuyển thể thành khuyến cáo thực tiễn, bạn có thể duy trì ít nhất 2 – 3 buổi/tuần tập toàn thân (Full body) hoặc nhiều hơn (nếu theo lịch Body-part, vd:Upper/Lower). Chương trình tập chắc chắn sẽ phụ thuộc vào thời gian biểu, nhu cầu của bạn, cũng như thiết bị bạn có thể tiếp cận.

 

Buổi tập nên tập trung vào các nhóm cơ lớn, tập trung chủ yếu vào các chuyển động Đa khớp. Trong khi việc tập với mức Tạ rất nặng hay nỗ lực rất cao (vd: đến thất bại) không cần thiết cho mục tiêu sức khỏe, bạn vẫn sẽ muốn tập đủ nặng (vd: 2-4 RIR/RPE 6-8), ở các khoảng Rep khác nhau (vd: 8-10, 15 – 20), và quan trọng hơn hết là Tăng tiến quá tải theo thời gian (về mức Tạ, số Reps, số Set)

Lựa chọn bài tập

 

 

❗Đáng chú ý, bạn có thể tập với tạ truyền thống (free-weight) hoặc với Máy (machine) và nhận lại những lợi ích tương đương nhau. Tập với Máy thường được cho là kém thực dụng (functional) hơn, với lí do được cho là ít tác động vào các nhóm cơ ổn định (stabilizer) hơn; tuy nhiên, mức độ kích hoạt các stabilizer sẽ phụ thuộc vào mức Tạ bạn tập, thay vì dụng cụ. Khi tập với mức Tạ đủ nặng, giữa tập Máy và Tạ truyền thống không có gì khác biệt. (và tập Máy còn có thể vượt trội hơn, do tính ổn định cao, giúp bạn tập được với mức Tạ/số Rep cao hơn).

 

❗Bên cạnh đó, bạn sẽ muốn tập luyện các chuyển động có ứng dụng nhiều nhất vào sinh hoạt hàng ngày. Không, điều này không có nghĩa là bạn phải tập các chuyển động dạng Strongman (vd: Farmer Carry để xách hàng từ siêu thị); điều này có thể đạt được bằng các bài tập Đa khớp Thân dưới (vd: Deadlift, Squat), có tính ứng dụng nhất đối với các hoạt động thường nhật như cúi xuống bê đồ, đứng lên ngồi xuống từ ghế, hay leo cầu thang.

Tập luyện Thể lực và Vận động Thể chất

 

 

Về tập luyện Thể lực hay vận động thể chất, bạn có thể tham khảo khuyến cáo thông dụng được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế: dành từ 150 – 300 phút/tuần vận động ở cường độ trung bình hoặc 75 – 150 phút/tuần vận động ở cường độ cao (hoặc kết hợp giữa hai cường độ tập luyện này để đạt tổng thời gian vận động). Những khuyến cáo này đã được chứng minh có hiệu quả đối với cải thiện sức khỏe và tuổi thọ (với điều kiện là mọi người phải tuân thủ). Mặt khác, có một số chi tiết đáng chú ý sau liên quan đến khuyến cáo này.

 

Cường độ thường bị hiểu lầm. Cường độ tập luyện trong khuyến cáo trên được tính bằng METs (metabolic equivalent), tính bằng lượng oxy cơ thể tiêu thụ trung bình khi ngồi yên (1 MET = 3.5ml/kg cân nặng/giờ). Theo đơn vị này, cường độ trung bình (moderate intensity) thường là các hoạt động tiêu hao từ 3 đến dưới 6 METs, vd: đi bộ thong thả. Trong khi đó cường độ cao (vigorous intensity) là các hoạt động tiêu hao từ 6 METs trở lên (≥ 6 METs), như đi bộ rất nhanh, hay chạy bộ nhẹ nhàng (tốc độ chậm hoặc vừa chạy vừa đi bộ, thay vì tập luyện cường độ cao như HIIT); để tham khảo, tập luyện Kháng lực với Volume cao đánh giá là 6 METs. 

Các bạn có thể tra cứu giá trị METs ước tính cho từng hoạt động tại đây.

 

Vận động ở cường độ cao hơn tương ứng với yêu cầu về thời gian thấp hơn (như có thể thấy ở khuyến cáo). Vì thế nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể lựa chọn vận động cường độ cao để đạt chỉ tiêu vận động hàng tuần của mình. Lí tưởng nhất là bạn kết hợp nhiều cường độ vận động khác nhau để đạt chỉ tiêu vận động hàng tuần của mình.  

 

Quy đổi ra số bước chân hàng ngày, 7000 – 8000 bước/ngày là một mục tiêu bạn có thể hướng đến; với 10000 bước/ngày có thể coi là mức mà bạn đã có thể đạt được hầu hết lợi ích đối với sức khỏe. ❗Điều này không có nghĩa là bạn cần phải đạt được mức này ngay lập tức; thay vào đó, bạn nên tăng tiến dần lên mức này. ❗Nếu có tập luyện Kháng lực với Volume lớn (vd: ít nhất 3 buổi/tuần, đủ để thúc đẩy tiến bộ về sức manh/cơ bắp), trên lý thuyết bạn đã đạt được phần lớn chỉ tiêu vận động hàng tuần như khuyến cáo trên. Mặt khác, lợi ích mà tập luyện Kháng lực mang lại chủ yếu tác động đến cơ bắp, xương khớp và chức năng vận động, thay vì tim mạch – hô hấp. Vì vậy. tốt hơn hết, bạn nên bổ trợ bằng cách đạt được mục tiêu về số bước chân ở trên.

 

Nếu bạn thực sự muốn ‘vét hết’ lợi ích cho sức khỏe mà tập luyện Thể lực/vận động thể chất mang lại, bạn có thể hướng đến đạt được giá trị VO2max tiêu chuẩn theo giới tính và độ tuổi được khuyến cáo bởi ACSM. VO2max phản ánh khả năng sử dụng oxy tối đa của cơ thể, hay khả năng sản sinh năng lượng theo con đường hiếu khí (aerobic). Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá thể lực của các VĐV các bộ môn đòi hỏi sức bền, nhưng gần đây được quan tâm khá nhiều bởi những người quan tâm đến sức khỏe, bởi mối liên hệ của nó đến sức khỏe tim mạch, chuyển hóa và tuổi thọ (một khái niệm liên quan khác được nhắc đến thường xuyên là tập Thể lực ở khoảng cường độ “Zone 2”; tuy nhiên, giống với nhiều chủ đề khoa học được ‘bình dân hóa’, những thông tin được truyền tải phổ biến, dù có ý đúng’, thường không đầy đủ và hay biến thành những quy tắc cứng nhắc, mang tính giáo điều). 

 

Một ghi chú là đo VO2max chính xác đòi hỏi thực hiện trong môi trường kiểm soát nghiêm ngặt với thiết bị chuyên dụng. Dù vậy, bạn có thể tham khảo cách này nhằm ước tính VO2max mà không cần đến thiết bị chuyên dụng.

Ngắt quãng thời gian bất động

 

Bên cạnh vận động và tập luyện, ngắt quãng thời gian không vận động có ảnh hưởng không kém quan trọng (và dường như độc lập) đối với sức khỏe. Đây là một giải pháp hiệu quả nếu bạn thực sự bận rộn và không có nhiều thời gian để tập luyện hay đi lại hàng ngày.

 

Để giảm thời gian bất động liên tục trong ngày, bạn có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày nhằm tích hợp thêm hoạt động thể chất, ví dụ: đỗ xe xa hơn, đi bộ thay vì đi xe cho những địa điểm gần nhà. Có những quãng ‘tập vụng’ (exercise snacks) là một giải pháp hiệu quả khác để thực hiện điều này (với một ví dụ minh họa được lấy từ cuốn sách “Khỏe, Bền, Săn Chắc” mới được ra mắt của T3).

❗Một số điểm nên nhớ

Bạn có nhiều lựa chọn hơn bản thân tưởng

Chúng ta thường muốn đi tìm một giải pháp tốt nhất để đạt mục tiêu, và tập luyện nhằm thu được lợi ích tối đa cho sức khỏe không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, tư duy này có thể không thực sự có ích, bởi một số lí do sau:


Tập luyện để cho thành tích hay hình thể nó rất khác với tập luyện cho sức khỏe, có lẽ vì yêu cầu và đòi hỏi của những mục tiêu này. Ví dụ, với Powerlifting, tập trung vào 3 chuyển động chính Squat, Bench, Deadlift nhằm đạt thành tích sức mạnh tối đa cho 3 bài tập này; hay, với Thể Hình, bạn muốn tập luyện sao cho thúc đẩy cơ bắp phát triển tối đa để phục vụ mục tiêu xây dựng hình thể. Trong khi đó, với mục tiêu sức khỏe, bạn tập luyện để duy trì khả năng vận động trong sinh hoạt hàng ngày, hay giúp duy trì sức khỏe chuyển hóa, tim mạch – vốn có xu hướng sụt giảm theo tuổi tác; nói cách khác, mục tiêu có tính duy trì và chống lại sự sa sút theo thời gian của cơ thể. Vì vậy mà các lợi ích mà tập luyện hay vận động mang lại thường có thể đạt được với thời gian và công sức bỏ ra khá ít. Như đã được nhắc đến ở trên, tập luyện nhiều hơn không đồng nghĩa với nhận được nhiều lợi ích hơn với tỉ lệ tương ứng (mặc dù vẫn có, như những lợi ích đối với sức khỏe tâm lý), và trong một số tình huống có thể ‘phản chủ’ (cái giá của việc theo đuổi ‘đỉnh cao’).


Nhiều khuyến cáo về tập luyện cho mục tiêu sức khỏe tạo ra ấn tượng rằng, con đường đến sức khỏe rất phức tạp; bạn cần phải đi theo một kế hoạch rất cụ thể, chi tiết với nhiều bộ phận đan cài (vd: chỉ được tập ở khoảng “Zone” này, chính xác bao nhiêu phút/tuần, nhịp tim không được vượt qua X nhịp/phút, v.v.). Những khuyến cáo như vậy hoàn toàn có hiệu quả, nhưng nó có thể đồng thời tạo ra một rào cản đáng kể đối với một người muốn bắt đầu thay đổi thói quen vận động để cải thiện sức khỏe.


Vận động và tập luyện chỉ là một mảnh ghép trong một lối sống phục vụ thể chất và sức khỏe. Bên cạnh đó, chúng ta phải kể đến những mảnh ghép quan trọng khác: thói quen dinh dưỡng, ngủ nghỉ, đời sống xã hội, cảm xúc, v.v. Cố gắng tối ưu hóa và đạt được hiệu quả tối đa từ một khía cạnh trong khi bỏ bê những khía cạnh khác rốt cục có thể không đem lại lợi ích lớn hơn, mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực trong dài hạn. 


Để phục vụ sức khỏe, bạn không cần tập luyện với khối lượng lớn hay với chương trình tập phức tạp. Mục tiêu bạn cần đạt được thực tế khá thấp, và bạn có nhiều phương án để tự do lựa chọn và áp dụng. Quyết định thực tế của bạn nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ yếu tố sau đây.

Niềm vui vẫn là quan trọng nhất

Tuân thủ là yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả của bất cứ hành động nào. Tuân thủ là khả năng thực hiện một hành động đều đặn trong khoảng thời gian dài, hay nói cách khác, biến hành động đó thành thói quen hàng ngày. Để thu được hiệu quả tối đa từ tập luyện, bạn nên lựa chọn hình thức tập luyện mà bản thân có thể duy trì đều đặn; đó sẽ là thường là hình thức tập luyện bạn có thể thực hiện nhưng cũng đồng thời là cách tập luyện mà bạn yêu thích nhất


  • Một ví dụ dễ hình dung là khi tập luyện Thể lực: không ít người bắt đầu tập chạy để cải thiện thể lực và thể trạng tim mạch – hô hấp, mặc dù không yêu thích nó hay không có điều kiện phù hợp để khai thác nó hiệu quả (vd: có vấn đề về xương khớp, không được tiếp cận với những chỉ dẫn phù hợp). Trong những tình huống này, kết cục thường gặp là họ không thể duy trì lâu dài hoạt động tập luyện này, vì mất đi sự hứng thú hay bắt gặp chấn thương.

  • Trong những trường hợp này, giải pháp tốt hơn là lựa chọn những hình thức tập luyện mà những người này có thể thực hiện và thực sự có hứng thú. Tập chạy không phải là cách duy nhất để cải thiện thể trạng tim mạch – hô hấp; rất nhiều hoạt động thể chất khác có thể đem lại lợi ích này, như đi bộ leo dốc (với điều kiện không bám vào máy chạy), chơi thể thao, leo núi, đạp xe, chèo thuyền, v.v.

Một hoạt động bạn có thể theo đuổi lâu dài và thực hiện với nỗ lực cao nhiều khả năng sẽ đem lại lợi ích so với một giải pháp ‘hoàn hảo’ nhưng khó tuân thủ. Điều này không có ý khuyên bạn dừng tìm kiếm và khám phá những cách mới để thu được kết quả tốt hơn từ tập luyện; với những người đam mê thể chất, đây là một phần khiến cho hành trình phát triển thể chất đem lại niềm vui và ý nghĩa. Tuy nhiên, cuộc chạy đua tìm kiếm sự ‘hoàn hảo’ cũng có thể là cuộc đua tới đáy, khi chúng ta nhìn theo hai khía cạnh sau. 


  • Một mặt, nếu bạn liên tục ‘nhảy cóc’ thử mọi chương trình hay kiểu tập luyện chỉ để tìm ra thứ có hiệu quả nhất, điều này rốt cục vô nghĩa. Vì bạn sẽ luôn thấy có thứ gì khác hấp dẫn hơn, và cũng không bao giờ theo đuổi một hình thức tập luyện đủ lâu để khai thác tối đa hiệu quả của nó. Nói cách khác, “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn trong cuộc sống, khi mà bạn có những mối quan tâm khác cần ưu tiên hơn, bạn không còn nhiều công sức và thời gian để tiếp tục thử nghiệm và khám phá. Tuy nhiên, khi phần lớn trải nghiệm tập luyện chỉ xoay quanh khám phá để thỏa mãn trí tò mò và thử thách bản thân, có thể bạn sẽ không còn nhiều lí do để níu giữ thói quen tập luyện.

  • Mặt khác, thiết kế một chương trình tập luyện hoàn hảo thường đi kèm với cố gắng tối ưu hóa mọi ngóc ngách của chương trình tập, khiến giáo án có xu hướng trở nên phức tạp không cần thiết (trong khi trên thực tế, bạn sẽ luôn có nhiều lựa chọn hơn bạn tưởng rất nhiều). Cố gắng tập trung vào những thứ hứa hẹn đem lại kết quả tốt nhất có thể vô tình khiến việc tập luyện trở nên khắc nghiệt, kém vui, và giống với một công việc hơn (trừ khi là một VĐV kiếm sống nhờ tập luyện, đây không phải là một điều dễ chịu với những người theo đuổi tập luyện vì đam mê). Sẽ không sai khi nói rằng, “hoàn hảo là thứ giết chết niềm vui”.

Tập luyện tương ứng với mục tiêu

Mặc dù chủ đề chính của bài viết này là tập luyện cho mục tiêu sức khỏe và tuổi thọ, một điều cần nhấn mạnh là: bạn cần tập luyện tương ứng với mục tiêu bạn mong muốn. Trong khi sức khỏe luôn là một mối quan tâm chính, những người đam mê thể chất khi tập luyện thường muốn đạt được những mục tiêu khác: cải thiện hình thể, đủ thể lực để đi dã ngoại với gia đình, đánh golf tốt hơn, v.v. Trong khi nhìn chung mọi hình thức tập luyện hay vận động thể chất cũng sẽ đem lại lợi ích cho sức khỏe, những mục tiêu cụ thể hơn sẽ đòi hỏi điều chỉnh tập luyện tương ứng, theo nguyên tắc “Chuyên biệt” trong tập luyện (Principle of Specificity).


Còn với những mục tiêu ‘chung chung’ như trở nên kiên cường hơn, hay phát triển thể chất toàn diện thì sao? Rất có thể tập luyện kết hợp giữa Kháng lực và Thể lực (hay Concurrent Training) là lựa chọn phù hợp cho bạn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả nhất công cụ này đòi hỏi cách tiếp cận có hệ thống và khoa học; đây là những nội dung trung tâm được thảo luận trong cuốn sách “Khỏe, Bền, Săn Chắc”.


Đây là câu hỏi được giải đáp bởi Eric Helms, Eric Trexler, và Lauren Colenso-Semple biên tập lại và bổ sung để giúp bạn đọc thuận tiện theo dõi và tiếp thu.

LIÊN HỆ TƯ VẤN

(Cam kết bảo mật thông tin khách hàng)
©2023 SmallGym. All rights reserved.

Thanh toán khi nhận hàng

Ship cod